Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Van tim nhân tạo trong thực hành tim mạch 1


Van tim nhân tạo trong thực hành tim mạch

Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều người ta gọi là các van tim. Giữa nhĩ trái và thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Giữa nhĩ phải và thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải, dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Như vậy quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý.


Khi bạn được bác sĩ cảnh báo phải thay van tim nhân tạo có nghĩa là van tim của bạn đã hư bắc buộc phải thay van tim nhân tạo để tiếp tục sống .

Hiện nay có rất nhiều loại van tim nhân tạo mà chia làm 2 loại chính

1. Van tim nhân tạo cơ học: thường được làm bằng carbon định hình và có đời sống kéo dài theo đời sống của con người.
2. Van tim nhân tạo sinh học: thường được làm từ van động vật, và có đời sống ngắn từ 10 đến 20 năm.


Van cơ học

Là van nhân tạo được làm từ những vật liệu có tuổi thọ cao như kim loại, carbon, ceramic và chất dẻo. Van cơ học có ưu thế lớn là tuổi thọ rất cao. Nhưng do van cơ học được làm từ kim loại (dị vật) nên nó có thể gây hoạt hoá quá trình đông máu và hình thành huyết khối bám vào van gây hẹp tắc van. Để phòng ngừa tai biến này, bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông lâu dài nhằm duy trì mức đông máu phù hợp (máu chậm đông hơn bình thường, xem chi tiết về các thuốc chống đông). Hầu như tất cả những bệnh nhân được thay van cơ học đều phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Và việc xét nghiệm kiểm tra thường xuyên là rất quan trọng khi dùng loại thuốc chống đông này, để đảm bảo mức đông máu của người bệnh nằm trong giới hạn cho phép, đủ để ngăn ngừa hình thành huyết khối và cũng không quá mức để gây ra các biến chứng do dùng thuốc (chảy máu, tụ máu).

Khi tiến hành phẫu thuật thay van, bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định chọn loại van nào thích hợp với bạn dựa vào kinh nghiệm chuyên môn và tình trạng bệnh cụ thể của bạn. Những yếu tố sau là cơ sở để quyết định bác sĩ phẫu thuật lựa chọn: tuổi của người bệnh, kích thước van, khả năng tài chính của người bệnh và khả năng tuân thủ điều trị, có thai hay có nhu cầu sinh con?...

Van sinh học

Là loại van lấy từ tim của động vật (van dị loài) đã được xử lý loại bỏ các thành phần gây thải ghép (các thành phần mang tính kháng nguyên) và sửa lại một phần. Chúng được đặt lên một khung đỡ bằng kim loại hay bằng nhựa để giúp đặt vào cơ thể một cách dễ dàng.

Một loại van sinh học khác là sử dụng tổ chức van lấy từ người hiến tạng (van đồng loài). Loại van này thường được thay thế cho các van động mạch.

Van sinh học có một ưu điểm lớn là nó cũng tương tự như van tim của người được thay. Đó là lý do tại sao mà bệnh nhân sẽ không cần sử dụng thuốc chống thải ghép sau này. Thời gian dùng thuốc chống đông sau phẫu thuật thay van cũng ngắn hơn (thường trong 6 tháng sau mổ). Tuy nhiên chúng có nhược điểm là tuổi thọ không cao bởi quá trình thoái hoá có thể diễn ra. Tuổi thọ trung bình của các van sinh học là từ 8 đến 10 năm.


Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người mà các y bác sĩ sẽ lựa chọn loại van sẽ thay cho bệnh nhân.Ngoài ra , thì các y bác sĩ còn phải lưu ý ,xem xét khả năng van còn sửa được hay không trước khi quyết định thay van, do sửa van có ưu thế hơn hẳn như: bảo tồn được chức năng thất trái vì giữ được các tổ chức dưới van, tỷ lệ tử vong chu phẫu thấp, không cần dùng thuốc chống đông, tỷ lệ sống còn lâu dài tốt. Hiện nay, chủ yếu mới áp dụng rộng rãi các kỹ thuật sửa van hai lá, còn đối với van động mạch chủ thì khó sửa hơn rất nhiều, chỉ nên làm hạn chế trong một số trường hợp không do thấp tim như van động mạch chủ hai lá bẩm sinh gây HoC do sa van, van không vôi, không hẹp…

Sau khi thay van tim các bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân của mình

Việc theo dõi sau mổ thay van tim nhân tạo là hết sức cần thiết, gồm theo dõi triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, dù bệnh nhân không có triệu chứng cơ năng. Kết quả siêu âm Doppler tim trong vòng 1-6 tuần ngay sau mổ được dùng làm mốc để theo dõi về sau. Thông thường nên kiểm tra định kỳ siêu âm tim 1 năm một lần hoặc mau hơn nếu có triệu chứng cơ năng, nhất là giai đoạn 5 năm sau mổ trở đi. Tuyên truyền cho bệnh nhân về nguy cơ và sự cần thiết phải điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc.

Riêng với bệnh nhân có van cơ học, cần theo dõi định kỳ hiệu quả của thuốc chống đông bằng xét nghiệm tỷ lệ Prothrombin và INR.

Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm ở bệnh nhân có van tim nhân tạo

Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện của rối loạn hoạt động van nhân tạo tương đối phức tạp 

Tiền sử và bệnh sử: nên hỏi kỹ hoặc kiểm tra hồ sơ ra viện về các vấn đề liên quan đến van nhân tạo như: chỉ định thay van; vị trí van nhân tạo; loại và kích thước van; thời gian kể từ khi thay; các biến chứng liên quan đến dùng thuốc chống đông, biến chứng tắc mạch, viêm nội tâm mạc, sốt hoặc thay đổi âm sắc tiếng đập của van.

Khám thực thể: để phát hiện các tiếng thổi mới, âm nghẹt hoặc các biểu hiện huyết khối kẹt van. Bản thân van nhân tạo đã làm thay đổi tiếng bình thường do di chuyển cánh van hoặc do thay đổi tính chất của dòng chảy qua van. Các tiếng, âm sắc của van nhân tạo đã che lấp những tiếng tim bình thường. Mặt khác những âm sắc này có thể không hề thay đổi cho dù đã rối loạn nặng hoạt động của van. Tuy nhiên nếu đã quen với các tiếng van tim nhân tạo thì nghe tim cũng giúp ích được nhiều cho việc chẩn đoán bệnh lý của van nhân tạo trước khi sử dụng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Xác định rối loạn hoạt động van nhân tạo chủ yếu dựa trên hình ảnh siêu âm Doppler tim, cho phép đánh giá sớm trước khi biểu lộ ra triệu chứng lâm sàng.


Siêu âm Doppler tim:

Siêu âm Doppler tim mạch là một trong những loại siêu âm được sử dụng khá phổ biến trong chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch. Siêu âm Doppler có nhiều tên gọi khác nhau như siêu âm Doppler màu, siêu âm Doppler phổ, siêu âm Doppler năng lượng hoặc siêu âm sóng liên tục… Thực tế chúng ta hay dùng từ siêu âm màu đề nói về siêu âm Doppler tim mạch.

Siêu âm Doppler là một xét nghiệm hoàn toàn không gây đau, cho phép các bác sĩ quan sát và đánh giá toàn bộ mô cơ tim. Siêu âm Doppler khảo sát vật thể chuyển động bằng đầu dò phát – nhận sóng siêu âm. Với những tín hiệu tần số phát từ đầu dò của máy siêu âm và tần số nhận về khi khảo sát vật thể di chuyển (ví dụ tế bào máu dịch chuyển trong mạch máu hay trong buồng tim), máy sẽ tổng hợp và hiển thị trên màn hình dưới dạng các màu sắc, các dạng sóng phổ khác nhau hoặc tín hiệu âm thanh có thể nghe được.

Chăm sóc bệnh nhân thay van tim

Tất cả bệnh nhân thay van tim cơ học đều cần dùng thuốc chống đông suốt đời. Ở Việt Nam, loại thuốc kháng đông được sử dụng là sintrom, thuộc nhóm thuốc kháng vitamin K. Nếu không uống thuốc kháng đông có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bệnh nhân không uống thuốc hoặc uống chưa đủ liều sẽ dễ hình thành cục máu đông tại van cơ học. Cục máu đông có thể vào hệ tuần hoàn có thể gây tắc mạch nhiều nơi trong cơ thể như tắc ở mạch máu não sẽ gây nhồi máu não. Nếu cục máu đông tắc ngay tại van cơ học khiến van không hoạt động, bệnh nhân có thể đột tử. Ngược lại, nếu uống thuốc quá liều sẽ gây xuất huyết trong cơ thể như xuất huyết não, dạ dày, cơ, thận, da...
Nếu bệnh nhân thấy có những dấu hiệu như: chảy máu chân răng (tự nhiên hay sau khi đánh răng), chảy máu mũi, nổi vết bầm dưới da, đi ngoài phân đen sệt, nôn ra máu, tiểu đỏ, lượng máu hành kinh ra nhiều...(có thể do dùng thuốc quá liều) hoặc thấy tức ngực, khó thở... (có thể bị kẹt van) thì cần đến bệnh viện ngay để bác sĩ tim mạch kiểm tra và điều trị.
Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông không nên tự uống thuốc khác (kể cả các loại thuốc bổ, vitamin), khi cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ và xem kỹ hướng dẫn sử dụng.
Khi bệnh nhân phải vào bệnh viện (vì tai nạn, bệnh tật...), phải báo cho bác sĩ biết là đang dùng thuốc chống đông máu và đang mang van tim nhân tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét