Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

6 đặc sản không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng

6 đặc sản không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng
Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch xinh đẹp mà còn hấp dẫn du khách bởi những món đặc sản nổi tiếng như bê thui Cầu Mống, gỏi cá Nam Ô, ốc hút...


1. Mì Quảng

Nhắc tới ẩm thực Đà Nẵng, dân du lịch nhớ ngay đến mì Quảng, món ăn nổi danh khắp cả nước. Điểm khác biệt của món mì này là sợi mì trắng to, thô và dày, nước lèo đậm đà ninh từ xương được chan vừa đủ để tẩm ướt tất cả các thành phần chứ không đầy tràn như các loại bún, phở khác.




Mì Quảng ngày nay có nhiều loại khác nhau như mì gà, mì tôm thịt, mì bò, mì sứa, mì cá lóc. Ảnh: Likevietnam.


Một tô mì chính tông truyền thống gồm có tôm kho nhạt, trứng gà luộc, xương heo, không thể thiếu đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Món này ăn kèm với các loại rau sống như cải non, xà lách, rau mùi trộn lẫn với rau chuối xắt mỏng kèm với ớt xanh.

2. Bê thui Cầu Mống

Đến thăm Đà Nẵng, bạn không thể nào bỏ qua món bê thui trứ danh ở đây. Người ta thường chọn con bê vừa đủ lớn trọng lượng khoảng 30 - 35 kg để thịt đạt độ thơm ngon, không bị nhão.

Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền, ngay cả ở vùng đất này không phải ai cũng làm được. Yêu cầu miếng thịt sau khi ra lò phải đạt đủ 2 tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt mà giòn mềm vừa phải.



Thực khách cần nhai thật kỹ mới thưởng thức hết sự hòa quyện của đủ loại gia vị để nhớ mãi vùng đất này. Ảnh: Bethui.


Món bê thui còn nổi tiếng bởi mắm và rau sống ăn kèm. Mắm nêm thường được lựa chọn bởi những vùng chài làm mắm nổi tiếng, pha thêm các gia vị như tỏi,ớt, gừng sao cho đậm đà vừa ăn. Rau ăn kèm với bê thui cũng rất phong phú, bao gồm loại rau quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…

Ăn bê thui đúng điệu là trải tấm bánh tráng, thêm vài miếng thịt với chuối chát, khế chua, rau sống, cuốn tròn lại rồi chấm với mắm nêm đậm đà.

3. Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da

Bánh tráng cuốn là món ăn có thể dễ dàng bắt gặp trên mọi vùng đất, song với sự kéo léo của người Đà Nẵng đã chế biến món này trở thành đặc sản với hương vị không lẫn vào đâu được.



Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu.


Bí quyết chính của món là đĩa thịt heo, loại hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con heo. Muốn có được thịt ngon, phải chọn con heo nặng từ 50 - 70 kg, róc lấy khoảng 5 kg thịt mông. Thịt được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra mỡ có màu trong ở cả 2 đầu là đạt tiêu chuẩn.

Đĩa rau ăn kèm thường chỉ một gam màu xanh lá nhưng nhiều sắc độ khác nhau từ nhạt đến đậm như màu xanh ngọc của dưa leo, xanh tím của lá tía tô, xanh nõn của xà lách, xanh lục của các loại rau thơm khác, điểm xuyết vào đó là những lát chuối chát trắng ngà. Bí quyết cuối cùng để món ăn này mang đậm chất Quảng chính là bát mắm nêm thật cay khiến thực khách phải xuýt xoa tê lưỡi khi thưởng thức.

4. Ốc hút

Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều có cơ hội được thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng… đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.

5. Gỏi cá Nam Ô

Gỏi cá Nam Ô nổi tiếng bao đời với hương vị đặc trưng. Cá để chế biến món này có thể là là cá mòi, cá tớp, cá cơm... Song thích hợp nhất vẫn là cá trích vì thịt cá có vị ngọt, săn chắc rất ngon. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm ráo cá và lấy nước cốt này làm món nước chấm (gồm nước cá tươi đem đun sôi hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt).



Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và quý hiếm bởi chủ yếu là những loại lá cây rừng.


Thính riềng dùng trong món gỏi này ngon hơn hẳn những loại thính thường. Loại gia vị này vừa làm cho thịt cá khô ráo, vừa ướp thơm và khử khuẩn cho cá. Khi ăn, trộn thêm mè và đậu phộng rang giã nhỏ vào nước chấm.

Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm đà, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với hương vị các loại lá rừng, kèm thêm miếng chuối xanh chan chát, khế chua chua khiến thực khách thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.


6.Mít trộn

Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.

Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè là “đúng sách”. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Các quán thường bán chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa mít.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét