Có thể nói Sài Gòn là một vùng đất trù phú và là nơi hội tụ những sản vật quý hiếm khắp mọi nơi đổ về. Đúng với cái tên thành phố không bao giờ ngủ, hay thành phố ăn chơi mà giới trẻ đặt tên, khó có thể không tìm thấy một thứ gì không có ở Sài Gòn. Từ đặc sản Hà Nội, đặt sản Huế, đặc sản Nha Trang hay một thứ đặc sản nào của vùng khác, Sài Gòn đều có bán. Chính vì những điều đó, người ta thắc mắc rằng, vùng nào cũng có đặc sản, vậy đặc sản Sài Gòn là món gì?
Thật khó trả lời chính xác câu hỏi này, Sài Gòn như là một quy tụ các món đặc sản nên món nào dường như cũng là đặc sản Sài Gòn. Nhưng cũng có nhiều ý kiến, Sài Gòn cũng có rất nhiều đặc sản mang hương vị rất đặt trưng, rất mộc mạc đậm chất Nam Bộ, trong đó phải kể đến:
Bánh tráng trộn: đây là một món rất dân dã, được giới trẻ ưa chuộng, đặc biệt giới học sinh, sinh viên. Đôi khi có thể ví von rằng, nếu ai chưa từng thưởng thức qua món này, thì chưa thực sự trải qua thời sinh viên. Nguyên liệu của món bánh tráng trộn rất đơn giản, chỉ vài ba cai bánh tráng cắt sợi, một ít xoài chua băm, rồi nước tắc, rau răm, tôm khô, đậu phọng, thêm vài ba cái trứng cút, khô bò, muối tôm trộn đều lên thì đã có một món bánh tráng trộn bắt mắt ngon lành. Đây là một món ăn đường phố gắn với cả một thời sinh viên học sinh của mỗi người, hiếm ai là chưa ăn nếu bạn đã từng sống ở Sài Gòn.
Bắp xào: Đây là một món ăn cực kỳ hấp dẫn như cực kì bình dân. Nguyên liệu chế biến cực kỳ đơn sơ, nhưng hương vị thì thơm phưng phức và lạ miệng. Chỉ cần bắp non xào với tôm khô, hay tép, ruốt gì cũng được, xào chung với hành lá, thêm gia vị và bơ vào đã trở thành một món ngon khó có thể cưỡng lại. Giá lại rất phải chăng. Một đĩa bắp xào giá trung bình khoảng từ 5.000 đ đến 15.000 đ, bạn đã có thể thưởng thức một món ngon tuyệt hảo.
Hủ tiếu gõ: Cái tên này có lẽ là một cái tên khá xa lạ, và hơi “tếu” ở miền Bắc. Nhưng đối với người Sài Gòn, thì hủ tiếu gõ đã đi sâu vào tập quán sinh hoạt hằng ngày của họ. Một món ăn đi đôi với tiếng lanh canh nhịp nhàng hằng đêm, với tiếng khua kim loại thay cho tiếng rao thông thường. Bạn có thể thấy các xe hủ tiếu dạo khắp các con đường hoặc con hẻm Sài Gòn, rất đơn giản, nhưng tạo ra một món ăn mộc mạc và hương vị không mộc mạc chút nào. Muốn nấu hủ tiếu ngon, thì nước lèo vô cùng quan trọng, phải ngọt, thanh, và nước thật trong. Nước lèo thường là nước hầm xương ống thật lâu, có thể hầm thêm với tôm khô, cho nước tăng độ ngọt. Cách ăn hủ tiếu cũng kì công không kém, sợi hủ tiếu trụng vào nước sôi thật sôi, vớt nhanh để vào tô, đổ nước lèo đang sôi sùng sục vào, thêm giá sống, hẹ, tép mỡ, hành phi vào. Trước khi ăn có thể cho vào ít xì dầu, tiêu, chanh, ớt, tỏi, tương ớt tùy khẩu vị. Món ngày có thể nói ngon và giá rất bình dân. Ở Sài Gòn, 1 phần hủ tiếu gõ giá khoảng 10.000 đ.
Bò bía: bò bía và gỏi cuốn hình như không khác nhau là mấy về hình dáng. Bò bía có nhân cuốn là sắn luộc, lạp xưởng, tôm khô, và salad. Chấm với tương đen xay, bỏ chút ớt, đồ chua, đậu phọng, hành phi và chút ớt. Vị của nó lạ hơn gỏi cuốn và có hình dáng nhỏ nhắn. Món này tập trung bán nhiều nhất có lẽ trên đường An dương Vương, gần đại học Sư Phạm. Mỗi khi sinh viên tan trường, đều tập trung trên con đường này ăn rất nhiều.
Và một số món khác mà nhiều người cũng liệt nó vào hàng danh sách đặc sản không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn như: bánh xèo, bánh bèo, chuối chiên, bánh tằm…đây đều là những món nổi tiếng thơm ngon, và giá rất rẻ, đâu đâu cũng có bán. Và cũng thật khó để xác định đâu mới là đặc sản Sài Gòn thực sự, vì Sài Gòn có quá nhiều món ngon hấp dẫn thực khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét